Trong tuần này, thị trường ngoại hối nhiều khả năng sẽ vẫn bị chi phối bởi hai sự kiện quan trọng là triển vọng có vắc xin ngừa COVID-19 và tình hình dịch bệnh tại Mỹ cũng như tại châu Âu.
Ngoài hai sự kiện chính nêu trên, các dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần này như báo cáo về chi tiêu cá nhân và niềm tin của người tiêu dùng Mỹ có thể cho thấy tác động của đại dịch đối với triển vọng của nền kinh tế lớn nhất thế giới trước thềm mùa mua sắm Black Friday.
Trong khi đó, số liệu PMI từ khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ giảm đáng kể khi các biện pháp phong tỏa mới nhất được phản ánh đầy đủ trong dữ liệu.
Ngoài ra, Anh và Liên minh châu Âu (EU) dường như sắp đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit, điều này có thể tác động đáng kể đến vị thế của đồng bảng Anh trong tuần.
Đăng ký nhận các bản tin phân tích sớm nhất
1. Bức tranh đối lập giữa vắc xin và đại dịch COVID-19
Theo Investing.com, nhà đầu tư đang thận trọng cân nhắc các rủi ro khi đại dịch COVID-19 bùng phát nghiêm trọng tại Mỹ và khả năng phục hồi kinh tế một khi vắc xin được triển khai rộng rãi.
Tuần trước, thị trường trở nên lạc quan hơn khi hai hãng dược Pfizer và Moderna cùng công bố dữ liệu nghiên cứu giai đoạn ba khá khả quan. Cả hai vắc xin này đã có sẵn nguồn cung để có thể phân phối trong vài tuần tới và chỉ còn chờ Cục Quản lí Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 vẫn là một mối đe dọa thường trực đối với Mỹ. Hôm 21/11 vừa qua, Mỹ vừa đánh dấu ca xác nhận nhiễm COVID-19 thứ 12 triệu và số ca nhiễm mới mỗi ngày đều chạm ngưỡng kỉ lục là 150.000 – 160.000.
Trong khi đó, hàng triệu người dân Mỹ dự kiến sẽ đi du lịch trong kì nghỉ Lễ Tạ ơn (26/11) tới, bất chấp các cảnh báo từ cơ quan y tế về khả năng lây lan virus trong cộng đồng. Điều này khiến nhà đầu tư lo lắng không dứt về tác động của dịch bệnh đối với giao dịch trên thị trường.
2. Dữ liệu kinh tế Mỹ
Chính phủ Mỹ sẽ công bố dữ liệu về niềm tin của người tiêu dùng vào ngày 24/11, tiếp đến là dữ liệu về chi tiêu cá nhân tháng 10 và số liệu GDP quí III vào ngày 25/11.
Nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần sau khi số liệu tuần trước tăng bất ngờ, cho thấy đà phục hồi của thị trường lao động Mỹ đang chững lại.
Ngoài ra, chính phủ Mỹ cũng sẽ công bố dữ liệu về cán cân thương mại, số lượng đơn đặt hàng bền (durable goods orders), doanh số bán nhà mới và chỉ số tâm lí người tiêu dùng trước thềm nghỉ lễ 26/11.
Cuối ngày 25/11, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ công bố biên bản cuộc họp chính sách gần nhất. Một số Chủ tịch Fed khu vực như ông Thomas Barkin, Charles Evans và James Bullard sẽ có bài phát biểu trong các ngày 23 và 24/11.
Cuối tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ bất ngờ tuyên bố sẽ dừng cấp vốn cho chương trình cho vay khẩn cấp của Fed, khiến các chuyên gia lo lắng phao cứu sinh của nền kinh tế Mỹ sẽ không còn.
3. Black Friday
Trong các năm trước, người tiêu dùng Mỹ thường sẽ chuẩn bị kĩ càng cho đợt mua sắm Black Friday. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, họ nhiều khả năng sẽ không chen chúc mua sắm hàng giảm giá mà sẽ chuyển sang mua hàng trực tuyến.
Theo dự đoán của Oxford Economics, doanh số bán hàng trong đợt mua sắm Black Friday năm nay có thể chỉ tăng khoảng 0,6% so với cùng kì năm trước do tác động của đại dịch, thu nhập giảm của người dân giảm và thị trường việc làm suy yếu.
4. Chỉ số PMI của khu vực đồng euro
Kết quả sơ bộ về hoạt động kinh doanh tháng 11 của khu vực đồng euro, công bố ngày 23/11, được cho là sẽ khá ảm đảm do đại dịch bùng phát trở lại và chính phủ các nước phải tuyên bố đóng cửa lần hai để kiểm soát tình hình.
Trong khi số liệu tháng trước cho thấy hoạt động kinh doanh chỉ sụt nhẹ thì các chỉ số PMI của tháng 11 được dự đoán là sẽ giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ lĩnh vực dịch vụ, ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi các nước phải phong tỏa trở lại.
5. “Tàu lượn” Brexit
Theo nhận định của Investing.com, chính phủ Anh dường như sắp đạt được một thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU. Trước đây, hai bên đã bỏ lỡ nhiều hạn chót Brexit song lần này các nhà đàm phán đang thực hiện những nỗ lực cuối để đi đến một thỏa thuận chung rồi sau đó mới thảo luận chi tiết các điều khoản.