Tỷ giá ngoại tệ ngày 18/9 diễn biến theo xu hướng đồng USD trên thị trường thế giới biến động mạnh trong bối cảnh nước Mỹ đang mâu thuẫn và phân cực sâu sắc về cách đánh giá nền kinh tế và chính sách tiền tệ.
Đầu phiên giao dịch ngày 18/9 (giờ Việt Nam), trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh. Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 98,50 điểm.
USD đứng ở mức: 1 euro đổi 1,1030 USD; 108,26 yen đổi 1 USD và 1,2456 USD đổi 1 bảng Anh.
Đầu giờ sáng, đồng USD trên thị trường thế giới biến động mạnh trong bối cảnh nước Mỹ đang mâu thuẫn và phân cực sâu sắc về cách đánh giá nền kinh tế và chính sách tiền tệ.
Thông tin khiến giới đầu tư mất phương hướng nhất và cũng khiến các nhà tạo lập chính sách của Mỹ cảm thấy bối rối chính là vụ tấn công vào 2 cơ sở dầu khí của Saudi Arabia vào cuối tuần qua.
Vụ tấn công đã khiến giá dầu tăng vọt thêm khoảng 15% trong phiên ngay sau đó và là phiên tăng giá lớn nhất của giá dầu trong hơn 2 thập kỷ qua. Dầu tăng giá có thể dẫn tới 2 kịch bản đầy tranh cãi và có thể tác động hoàn toàn trái ngược nhau lên quyết định chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Khả năng thứ 1, giá dầu lên có thể khiến lạm phát tại Mỹ tăng mạnh khiến cơ quan tạo lập chính sách Fed có thể sẽ giữ nguyên lãi suất như hiện tại, không nới lỏng chính sách tiền tệ theo như kỳ vọng của thị trường.
Ở chiều ngược lại, giá dầu tăng có thể khiến Fed nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa để đối phó với khả năng suy giảm của một nền kinh tế Mỹ vốn đã mong manh trong thời gian gần đây. Một đồng USD yếu hơn sẽ kéo giá vàng tăng mạnh.
Hiện tại, nội bộ Fed đang bất đầu sâu sắc. Những bất đồng này sẽ được phản ánh và tác động đến chính sách tiền tệ được đưa ra trong cuôc họp 2 ngày 17-18/9 của Fed.
Thông tin trên Reuters cho thấy, Chủ tịch Fed chi nhánh St. Louis và chi nhánh Minneapolis ủng hộ việc cắt giảm lãi suất mạnh mẽ nhằm khắc phục tình trạng lạm phát yếu và tránh một đường cong lợi suất trái phiếu. Trong khi Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland phản đối quyết định hạ lãi suất hồi tháng Bảy của Fed.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ là người phải cân bằng sự bất đồng và phân cực tại Fed. Tuy nhiên, quyết định về chính sách tiền tệ như thế nào giờ đây trở nên khó đoán hơn bao giờ hết, nhất là sau vụ Saudi Arabia bị tấn công.
Sự khó khăn còn ở chỗ, nền kinh tế Mỹ gần đây phát ra hàng loạt các tín hiệu lẫn lộn giữa tích cực và tiêu cực. Trong khi ngành chế tạo đi xuống và lạm phát vẫn còn thấp thì những số liệu về bán lẻ và việc làm lại khả quan.
Triển vọng kinh tế Mỹ có lẽ phụ thuộc nhiều vào những cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp tới và cả những biến động tại một khu vực đầy bất ổn ở Trung Đông.
Dù vậy, nhiều dự báo cho rằng khả năng Fed giảm lãi suất trong cuộc họp trong tuần này rất cao, lên tới 66%. Giới đầu tư vẫn chưa tin tưởng vào một thỏa thuận thương mại có thể đạt được giữa Mỹ và Trung Quốc khi mà mâu thuẫn giữa 2 cường quốc này rất lớn.
Điều mà thị trường đang tìm kiếm là chính sách điều hành dài hạn của Fed để định hướng đầu tư trong thời gian tới.
Quang Trường
Đăng ký tìm hiểu thị trường Forex
https://forms.gle/zjwLqSjdeopqCbPm6
Đăng ký mở tài khoản giao dịch Forex
https://forms.gle/J7SKrCYQkqpjQ8Zm9